Độ tuổi mắc bệnh giãn tĩnh mạch ngày càng trẻ hóa. Hiện nay, lứa tuổi 30, thậm chí 20 cũng đã mắc bệnh giãn tĩnh mạch.
Trong năm 2016, Hội Tĩnh mạch học TP.HCM đã khảo sát trên 2.000 bệnh nhận đến khám vì nghi ngờ mắc bệnh giãn tĩnh mạch. Kết quả cho thấy có 76% người bị suy giãn tĩnh mạch chân mãn tính, nữ giới gấp đôi nam. Bệnh ngày càng trẻ hóa so với trước, lứa tuổi 30 – 40, thậm chí không ít người ở lứa tuổi 20-30 cũng đã mắc bệnh. Có 36% người trong độ tuổi lao động mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch, tỷ lệ mắc bệnh ở người nghỉ hưu là 50%.
Nguyên nhân dẫn đến sự trẻ hóa này là do thói quen lười vận động, do yêu cầu công việc buộc phải đứng lâu, ngồi một chỗ trong thời gian dài. Khi ta ngồi hay đứng, nhất là đứng, ngồi lâu, máu trong các tĩnh mạch chân sẽ ứ lại, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch dẫn đến làm yếu thành tĩnh mạch và làm tổn thương các van. Khi đó, bệnh giãn tĩnh mạch sẽ dễ dàng xảy ra.
Điều đáng lưu ý là theo kết quả khảo sát nêu trên, có tới 90% bệnh nhân giãn tĩnh mạch không được chẩn đoán và điều trị phù hợp và khi đến khám thì bệnh đã nặng. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây đau nhức; nếu không điều trị kịp thời sẽ gây giãn tĩnh mạch, phù chân, loét chân khó lành, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm tăng chi phí điều trị.
Người trẻ không nên chủ quan đối với bệnh giãn tĩnh mạch, việc chủ động phòng bệnh là điều nên làm. Ngoài việc hạn chế đứng, ngồi một chỗ lâu, nên năng tập luyện thể dục thể thao, đi bộ 15 phút mỗi ngày rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch.
Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh giãn tĩnh mạch như nặng, mỏi chân, tê rần lòng bàn chân, nổi gân xanh ngoằn ngoèo… bệnh nhân nên đến các chuyên khoa tĩnh mạch để chẩn đoán và điều trị kịp thời.