Tình trạng ứ đọng máu vùng chân do suy giãn tĩnh mạch nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểu, khó chữa trị như loét chân, viêm mạch, hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch.
Suy tĩnh mạch là tình trạng suy yếu chức năng dẫn máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch ở chân, gây ứ đọng máu ở vùng thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là gây ra các dấu hiệu như nặng mỏi chân, đau nhức bắp chân, vọp bẻ, nổi gân xanh ngoằn ngoèo, phù chân, ngứa da… Tình trạng ứ đọng này kéo dài qua nhiều tháng, nhiều năm và ngày càng nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khó trị như loét chân, tắc mạch, viêm mạch… nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.
Nội Dung
Đứng lâu, ngồi nhiều dễ bị suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh đang ngày càng phổ biến trong dân chúng, đặc biệt là đối với những người có công việc buộc phải đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài, ít vận động cơ bắp chân như: nhân viên văn phòng, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bán hàng, công nhân…
Phụ nữ thường có nguy cơ mắc suy tĩnh mạch cao hơn nam giới, nguyên nhân là do ảnh hưởng của nội tiết tố, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thể thấp hoặc dùng giày không thích hợp.
Biến chứng do suy giãn tĩnh mạch
– Cẳng chân sưng to, đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm
– Viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng rát, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ
– Giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, loét da chân, nhiễm trùng khó điều trị
– Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch
- Thuốc: Thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch có tác dụng làm giảm các triệu chứng, giảm sưng. Việc uống thuốc kết hợp với mang vớ y khoa cho kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp giãn tĩnh mạch nặng, thuốc hầu như không có tác dụng
- Phẫu thuật: Thường được thực hiện đối với những tĩnh mạch giãn lớn, nổi ngoằn ngoèo trên da. Có hai phương pháp phẫu thuật giãn tĩnh mạch chính là phẫu thuật Stripping và phẫu thuật Muller. Việc loại bỏ một tĩnh mạch không đặt ra vấn đề gì về lâu dài, vì sẽ có nhiều tĩnh mạch khác đảm nhận tiếp công việc của tĩnh mạch đã bị tuốt bỏ. Song với cả hai thủ thuật Stripping và Muller, do có sự can thiệp của dao kéo nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xâm lấn và rủi ro. Vì vậy, phương pháp phẫu thuật đang dần được thay thế bởi các phương pháp kỹ thuật cao an toàn hơn.
- Laser nội mạch: Là phương pháp sử dụng năng lượng laser để hủy tĩnh mạch bị bệnh, phương pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới cấp độ 2 trở đi. Người bệnh thường chỉ cần thực hiện laser nội mạch một lần, thực hiện xong bệnh nhân được trở về ngay trong ngày và có thể sinh hoạt, làm việc bình thường mà không có bất kỳ trở ngại nào.
Với hiệu quả và độ an toàn cao, thời gian hồi phục nhanh chóng, laser nội mạch đang ngày càng được sửa dụng rộng rãi, dần thay thế phương pháp phẫu thuật trong điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới.