Ở hầu hết mọi người, vết loét chân thông thường sẽ lành lại sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, những trường hợp loét chân mãn tính thì không đơn giản, đặt biệt là loét chân do suy giãn tĩnh mạch
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng loét chân, trong đó, loét chân do suy giãn tĩnh mạch là thường gặp nhất.
- 80% trường hợp lở loét chân do biến chứng giãn tĩnh mạch
- 15% loét chân do nguyên nhân từ bệnh động mạch
- 5% còn lại do các nguyên nhân khác, bao gồm tiểu đường, viêm khớp dạng thấp và các tình trạng hiếm gặp.
Bệnh tĩnh mạch gây loét như thế nào?
Các tĩnh mạch ở chân có nhiệm vụ đưa máu từ chân trở về tim. Van một chiều trong lòng tĩnh mạch có nhiệm vụ đảm bảo tuần hoàn đưa máu theo chiều từ chân lên phần trên cơ thể. Khi các van này bị hư hỏng hoặc làm việc không hiệu quả, máu có thể chảy theo chiều ngược lại, gây áp lực cao trong lòng tĩnh mạch, tạo áp lực lên da và từ đó dễ hình thành các vết loét.
Loét chân do suy giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở vùng ống quyển hoặc vùng mắt cá chân. Bởi cấu tạo những vùng này chỉ có da bọc xương mà không có lớp cơ bên dưới.
Tình trạng loét chân do giãn tĩnh mạch gây nhiều đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân, việc đi lại vì vậy cũng có khăn hơn, tính thẩm mỹ do vậy mà giảm đi. Nguy cơ nhiễm trùng ở những vết loét này là rất cao, việc điều trị tương đối phức tạp.
Vết loét điều trị có khỏi không?
Điều trị các vết loét thường mất nhiều thời gian. Có trường hợp chỉ cần từ 4-6 tháng, nhưng không ít trường hợp phải mất nhiều năm vì phải chịu đựng những lần tái phát sau điều trị.
Do đó, khi phát hiện bị giãn tĩnh mạch chi dưới, người bệnh cần điều trị sớm để tránh các biến chứng nặng nề khiến cho việc chữa trị trở nên phức tạp và thời gian chữa trị kéo dài.