Giãn tĩnh mạch tay tuy không ảnh hướng đến sức khoẻ cũng như tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến vấn đề thẩm mỹ, khiến người bệnh mặc cảm, tự ti.
Giãn tĩnh mạch tay là tình trạng các tĩnh mạch vùng tay bị suy yếu và giãn to ra, thường xuất hiện nhiều nhất ở phần mu bàn tay, với những đường tĩnh mạch giãn lớn, nổi ngoằn ngoèo sát bề mặt da. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này thường là do tuổi tác, béo phì, lao động nặng, ngủ hay tì đè lên tay….
Các biểu hiện của bệnh suy giãn tĩnh mạch tay thường không điển hình và khó nhận biết hơn đối với giãn tĩnh mạch chân. Bệnh không gây nặng mỏi, tê nhức như ở chân, nhưng đôi khi bạn có cảm giác đau ẩm ỉ hoặc căng tức khó chịu chỗ tĩnh mạch giãn. Biểu hiện rõ rệt nhất là tay nổi những mạch máu xanh, to, nhìn gân guốc, già nua, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Người bị giãn tĩnh mạch tay, đặc biệt là phụ nữ thường tự ti, ngại giao tiếp với người ngoài.
Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, bệnh suy giãn tĩnh mạch tay có thể điều trị hiệu quả bằng phương pháp xơ hóa tĩnh mạch bị giãn.
Xơ hóa tĩnh mạch là phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch đơn giản, ít xâm lấn. Với phương pháp này, bác sĩ tiến hành tiêm một chất gây xơ hoá vào lòng tĩnh mạch bị bệnh. Chất gây xơ sẽ làm cho lớp trong của tĩnh mạch bị viêm và dính lại với nhau, từ đó loại bỏ tình trạng tĩnh mạch tay giãn lớn, nổi ngoằn ngoèo mất thẩm mỹ.
Phương pháp này được xem là cách điều trị đơn giản, an toàn, ít tốn kém. Chất gây xơ được đưa vào tĩnh mạch bị giãn qua một đầu kim rất nhỏ và hầu như không gây đau. Quy trình điều trị diễn ra trong khoảng 15-30 phút, thực hiện xong bệnh nhân được về ngay trong ngày.