Biến chứng loét chân thường xảy ra đối với những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch lâu ngày mà không được điều trị kịp thời, đúng cách.
Tĩnh mạch trong hệ thống tuần hoàn có chức năng đưa máu trong cơ thể về tim, máu ở tĩnh mạch thường ít oxy và chất dinh dưỡng, khi tĩnh mạch giãn, máu trong tĩnh mạch bị ứ đọng khiến các mô xung quanh không được cung cấp, trao đổi máu giàu oxy và chất dinh dưỡng, lâu dần sẽ hình thành vết loét.
Loét chân do suy giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở vùng ống quyển hoặc vùng mắt cá chân. Bởi cấu tạo những vùng này chỉ có da bọc xương mà không có lớp cơ bên dưới nên máu đi nuôi ít và dinh dưỡng kém.
Các vết loét do giãn tĩnh mạch gây nhiều đau đớn, nặng nề, khó chịu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, việc đi lại trở nên khó khăn, bất tiện. Nguy cơ nhiễm trùng ở những vết loét này là rất cao nếu người bệnh không điều trị giãn tĩnh mạch tận gốc.
“Ban đầu, vùng loét do suy giãn tĩnh mạch chân có thể tự lành. Tuy nhiên, đến các giai đoạn tiến triển tiếp theo, những vết loét này không còn có khả năng tự lành, ngược lại còn có nguy cơ nhiễm trùng cao, việc điều trị rất phức tạp và khó khăn”, Th.S BS Trần Thanh Vỹ (Khoa Lồng ngực-Mạch máu, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM) cho biết.
Ngoài loét chân, bệnh giãn tĩnh mạch còn dẫn đến hình thành huyết khối trong lòng tĩnh mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, huyết khối có thể di chuyển lên phổi gây thuyên tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong rất cao.
Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới cực kỳ có ý nghĩa. Điều này giúp việc điều trị trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả cao hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho bệnh nhân, giảm thiểu bớt những đớn, khó chịu mà bệnh nhân phải chịu đựng, đồng thời ngăn không cho những biến chứng phức tạp có thể xảy ra.
Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh giãn tĩnh mạch như nặng, mỏi chân, chân tê rần, chuột rút, nổi gân xanh ngoằn ngoèo… bệnh nhân nên đến các chuyên khoa mạch máu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.