Trong những tháng đầu của thai kỳ, điều mà cả người mẹ và bác sĩ quan tâm là làm thế nào để giảm tình trạng ốm nghén, mệt mỏi; hạn chế rượu, cà phê, chất kích thích và tăng cường bổ sung vitamin, axit folic, DHA cùng một chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường sức khỏe cho mẹ và bé.
Ngoài những vấn đề trên, còn có nhiều nguy cơ khác làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của thai phụ cần phải được quan tâm:
- Sự căng thẳng trong quá trình mang thai, kích thích tố hoạt động quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, giảm khả năng tuần hoàn máu.
- Nội tiết tố ở người mẹ thay đổi, hệ thống tĩnh mạch có thể bị suy yếu ngay trong giai đoạn đầu mang thai, trước cả khi em bé phát triển và trước khi người mẹ bắt đầu tăng cân.
- Để hạn chế sự mất máu xảy ra trong quá trình chuyển dạ và sinh con, ngay trong những tháng đầu, máu người mẹ đã tự tăng khả năng đông máu. Việc máu chảy chậm hơn bình thường trong thai kỳ có thể hình thành các cục máu đông nhỏ, gọi là huyết khối tĩnh mạch, nguy hiểm cho sức khỏe của người mẹ và thai nhi.
Vì vậy, khi mang thai, người mẹ cần lưu ý những biện pháp đơn giản để ngăn ngừa tình trạng giãn tĩnh mạch hoặc hình thành huyết khối tĩnh mạch nhằm bảo đảm an toàn cho mẹ và thai nhi :
- Nâng chân cao bất cứ khi nào có thể, gác chân khi ngồi hoặc nằm để cải thiện dòng tuần hoàn máu từ chân về tim, giúp các tĩnh mạch được nghỉ ngơi và giải phóng bớt áp lực lên tĩnh mạch chân.
- Không ngồi hay đứng trong thời gian dài mà nên luân chuyển hoặc thay đổi tư thế. Đi bộ nhẹ nhàng trên những đoạn đường ngắn.
- Nằm ngủ, kê gối nghiêng người bên trái để giảm sức nặng của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới và làm giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở chân.
- Mang vớ ống, vớ áp lực để ép các tĩnh mạch giúp máu không bị ứ đọng ở chân trong khi mang thai và giúp máu dễ dàng chảy về tim.
- Massage chân thường xuyên và cố gắng không để tăng trọng lượng quá mức để có đôi chân nhẹ nhàng thoải mái khi mang bầu.
Mang thai là một quá trình diệu kỳ và hạnh phúc. Người phụ nữ mang thai cần phải ghi nhớ nhiều điều để bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho bản thân và đứa con được sinh ra. Ngoài việc khám định kỳ ở bác sĩ sản khoa, khi phát hiện thấy những tình trạng có thể ảnh hưởng đến mẹ và bé, người mẹ nên đi khám ngay để nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.