“Việc loại bỏ một tĩnh mạch bị suy giãn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, bởi sẽ có những tĩnh mạch khác thực hiện tiếp công việc của tĩnh mạch bị bỏ”, TS BS Trần Thanh Vỹ (Giảng viên bộ môn Ngoại lồng ngực – mạch máu – Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết.
Hiện nay, bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể chữa trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp như laser nội tĩnh mạch, chích xơ, phẫu thuật… Mục đích của những phương pháp này là loại bỏ tĩnh mạch bị bệnh (đây là các tĩnh mạch không còn khả năng đưa máu về tim).
Loại bỏ tĩnh mạch bị bệnh không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chính mục đích điều trị như trên khiến đa số bệnh nhân băn khoăn, lo lắng liệu việc loại bỏ các tĩnh mạch bị suy giãn như vậy có để lại hậu quả gì không, về lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe không, máu sẽ lưu thông như thế nào sau khi điều trị…?
Tuy nhiên, theo nhiều công trình nghiên cứu uy tín của các chuyên gia trên thế giới, bỏ đi tĩnh mạch bị bệnh không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, việc lưu thông máu về tim vẫn được tiếp tục vì sẽ có những tĩnh mạch khác đảm nhận công việc của tĩnh mạch bị loại bỏ.
Các tĩnh mạch đã giãn không có khả năng hồi phục. Nếu không được loại bỏ, tình trạng ứ đọng máu ở những tĩnh mạch này có thể gây ra nhiều biến chứng như thâm da, loét chân, hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch dẫn đến tử vong. Do đó, đối với những tĩnh mạch đã giãn lớn, loại bỏ bằng các phương pháp tiên tiến như chích xơ, laser nội mạch, sóng cao tần…là sự lựa chọn đúng đắn.
Thảo Luận