Tại Việt Nam, bệnh giãn tĩnh mạch tuy là bệnh thường gặp nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đây chính là lý do rất nhiều người bệnh có quan điểm sai lầm về căn bệnh này.
Dưới đây là những lầm tưởng về bệnh suy giãn tĩnh mạch và sự thật về chúng.
Lầm tưởng 1: Giãn tĩnh mạch có thể biến mất theo thời gian
Giãn tĩnh mạch là bệnh mãn tính, và nó chỉ nghiêm trọng, nặng nề hơn theo thời gian chứ không thể tự khỏi được.
Lầm tưởng 2: Giãn tĩnh mạch chỉ có thể xảy ra ở chân
Thực tế là giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, bao gồm cả mặt, ngực, tay… Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện ở chân nhất do hệ thống tĩnh mạch vùng chân dài hơn và phức tạp hơn.
Lầm tưởng 3: Chỉ có người lớn tuổi mới bị giãn tĩnh mạch
Bệnh giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở độ tuổi từ 30 tuổi trở đi, tuổi càng cao đồng nghĩa với việc khả năng mắc bệnh giãn tĩnh mạch càng lớn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người trẻ không bị bệnh này. Thực tế cho thấy độ tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa.
Lầm tưởng 4: Đi bộ khiến bệnh giãn tĩnh mạch nặng thêm
Nhiều người cho rằng bệnh nhân giãn tĩnh mạch không nên đi bộ, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Đi bộ hoặc chạy bộ có thể giúp cho bơm cơ ở bắp chân tốt hơn và đẩy được nhiều máu về tim hơn. Người thường xuyên đi bộ có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch.
Lầm tưởng 6: Giãn tĩnh mạch chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật
Có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch, phẫu thuật chỉ là một trong các phương pháp đó. Ngoài phẫu thuật, bệnh có thể điều trị nội khoa bằng thuốc, chích xơ tĩnh mạch hoặc các phương pháp tiên tiến hơn như laser nội tĩnh mạch, sóng cao tần…
Lầm tưởng 7: Loại bỏ tĩnh mạch bị giãn gây ảnh hưởng đến sức khỏe
Theo nhiều công trình nghiên cứu uy tín của các chuyên gia trên thế giới, bỏ đi tĩnh mạch bị bệnh không những không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn giúp loại bỏ hiện tượng ứ đọng máu, qua đó ngăn chặn những biến chứng nặng nề của bệnh giãn tĩnh mạch. Việc lưu thông máu về tim vẫn được tiếp tục vì sẽ có những tĩnh mạch khác đảm nhận công việc của tĩnh mạch bị bỏ.
Lầm tưởng 8: Hồi phục sau điều trị giãn tĩnh mạch là rất khó
Các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch tiên tiến hiện nay như laser nội mạch, sóng cao tần cho thời gian hồi phục rất nhanh do không phải thực hiện qua vết mổ.. Những phương pháp này thường diễn ra trong vòng 30 phút đến 2 giờ đồng hồ. Bệnh nhân được về ngay trong ngày và có thể đi lại, sinh hoạt, làm việc bình thường mà không có bất kỳ trở ngại nào.