Tình trạng giãn tĩnh mạch chi dưới có thể bắt nguồn từ những thói quen ít vận động. Trong cuộc sống hiện nay, con người ngày càng phụ thuộc nhiều vào những phương tiện hiện đại. Ngoài ra, do tính chất công việc của những người phải đứng lâu, ngồi nhiều khiến cho bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là ở những người trên 30 tuổi và ở phụ nữ.
Giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh mạn tính, có ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của con người và còn gây ra nhiều vấn đề về thẩm mỹ. Thời gian chữa trị bệnh có thể kéo dài. Do đó, người bệnh cần lưu tâm đến các thói quen hàng ngày có ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả điều trị bệnh giãn tĩnh mạch.
Giãn tĩnh mạch chi dưới với nhiều cấp độ khác nhau
Một lối sống ít vận động và chế độ ăn uống thiếu khoa học có thể dẫn đến tình trạng giãn tĩnh mạch chi dưới. Giãn tĩnh mạch có nhiều cấp độ từ cấp độ 0 đến cấp độ 6. Thông thường, người bệnh chỉ đi khám khi bệnh đã ở cấp độ 3-4 do trước đó không phát hiện được những triệu chứng ban đầu.
Cấp độ 0-1: Bệnh chưa có biểu hiện nhiều, chân có tình trạng tê, nặng, mỏi hoặc những đường gân nhỏ li ti dưới bề mặt da.
Cấp độ 2-3: Những tĩnh mạch giãn lớn, nổi ngoằn ngoèo và chân bị phù nhiều khi đứng lâu.
Cấp độ 4-5 : Da chân đổi màu, bắt đầu hình thành các vết loét khu vực mắt cá chân.
Cấp độ 6 : Chân lở loét nặng, da sậm màu và phù nhiều
Những sai lầm khi chữa trị giãn tĩnh mạch chi dưới
Để khắc phục tình trạng bệnh giãn tĩnh mạch, người bệnh thay vì đi khám để được chẩn đoán chính xác cấp độ bệnh, đã tự ý khắc phục bằng nhiều cách sai lầm khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn:
Hạn chế đi lại vì cho rằng như vậy sẽ tránh gây đau chân mà không biết rằng các mạch máu không được kích thích lưu thông, càng thêm ứ đọng, tắc nghẽn, càng gây sưng đau.
Ngâm nước nóng khi chân bị tê đau hoặc mỏi vì cho rằng cảm giác sẽ thoải mái, dễ chịu hơn mà không biết rằng các tĩnh mạch đang bị giãn thì không nên ngâm nước nóng hay thoa dầu nóng
Một số người tự ý mua kem thoa, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm uống khi giãn tĩnh mạch ở các cấp độ sớm khiến cho bệnh không những không được chữa trị kịp thời mà còn dẫn đến các biến chứng khó lường.
Để tránh các sai lầm trong quá trình chữa trị, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo rằng, người bệnh cần đến các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa để các bác sĩ trực tiếp khám lâm sàng, siêu âm mạch máu doppler xác định tình trạng bệnh từ đó, thực hiện cách điều trị phù hợp như sử dụng thuốc uống, mang vớ y khoa, thực hiện các bài tập thể dục theo yêu cầu hay là can thiệp bằng các phương pháp điều trị tiên tiến.
Thảo Luận