Cứ 10 phụ nữ mang thai thì có khoảng 3 đến 4 người bị suy giãn tĩnh mạch. Vào khoảng tháng thứ ba của thai kỳ, thai phụ sẽ thấy xuất hiện những sợi gân xanh nổi dưới da. Càng về cuối thai kỳ, các tĩnh mạch bị sưng giãn và sậm màu sẽ xuất hiện nhiều hơn và có thể kéo theo các triệu chứng phù chân, nặng chân.
Nội Dung
Nguyên nhân của tình trạng suy giãn tĩnh mạch trong thai kỳ
Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ bị biến đổi, gây ra tình trạng gia tăng progesterone, dẫn đến giãn và sưng các tĩnh mạch. Sự gia tăng hormone giới tính nữ cũng làm hình thành các tĩnh mạch sợi và tĩnh mạch mạng nhện trong quá trình mang thai.
Bên cạnh đó, khi thai nhi phát triển làm tăng nhu cầu lưu lượng máu chảy trong khoang chậu tạo áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu. Bào thai phát triển cũng chèn ép làm gia tăng áp lực đẩy máu vào tĩnh mạch chân, dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
Phòng ngừa là biện pháp cần thiết.
Bị giãn tĩnh mạch trong thai kỳ thường rất khó khăn cho việc điều trị vì đa phần các loại thuốc thường chống chỉ định với phụ nữ mang thai, do đó phòng bệnh là biện pháp cần được quan tâm nhất.
Để phòng bệnh, thai phụ nên thường xuyên đổi tư thế, hạn chế đứng lâu, ngồi nhiều, gây ứ tắc tuần hoàn máu, đi bộ để giúp máu lưu thông. Nên cử động thường xuyên khớp cổ chân, kê chân cao khi nằm nghỉ hoặc lúc ngủ để các tĩnh mạch được nghỉ ngơi, giải phóng bớt áp lực lên tĩnh mạch chân.
Chẩn đoán và điều trị giãn tĩnh mạch trong thai kỳ
Giãn tĩnh mạch thông thường được chẩn đoán dựa trên thăm khám đơn giản. Nếu bác sĩ nghi ngờ tắc mạch do huyết khối thì sẽ chỉ định siêu âm Doppler để phát hiện cục máu đông và điều trị ngay sau khi chẩn đoán được bệnh.
Bình thường, sau khi sinh khoảng 3 đến 4 tháng, bệnh giãn tĩnh mạch sẽ có xu hướng cải thiện. Nếu sau thời gian trên, bệnh không thuyên giảm thì người mẹ cần đến bác sĩ để được điều trị.
Thảo Luận