Không chỉ gây đau, mỏi chân, chuột rút, nổi gân xanh… bệnh giãn tĩnh mạch chân còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
TS BS Trần Thanh Vỹ (Khoa Lồng ngực-Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết “Giãn tĩnh mạch là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch vùng chân. Người bị giãn tĩnh mạch thường cảm thấy nặng, mỏi chân, chuột rút về đêm, chân nổi gân xanh ngoằn ngoèo”.
Thói quen lười vận động, yêu cầu công việc buộc phải đứng lâu, ngồi nhiều khiến số lượng bệnh nhân giãn tĩnh mạch ngày càng gia tăng và có dấu hiệu trẻ hóa. Nguyên nhân là do khi ta đứng hay ngồi một chỗ lâu sẽ khiến máu lưu thông kém, làm tăng áp lực lên thành tĩnh mạch. Khi đó bệnh giãn tĩnh mạch dễ dàng xảy ra.
Không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến khả năng lao động, bệnh giãn tĩnh mạch chân còn dẫn đến những biến chứng phức tạp, khó điều trị. Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch lâu năm có thể xuất hiện tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch chân, chân bị viêm loét, nhiễm trùng gây đau đớn, đi lại khó khăn, thậm chí không đi lại được.
Nghiêm trọng hơn, khi tĩnh mạch bị tắc nghẽn có thể xuất hiện cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục máu đông này nếu trôi ngược về phổi, làm tắc động mạch phổi có thể dẫn đến tử vong.
Do triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch thường khá mờ nhạt, thoáng qua, diễn tiến chậm nên bệnh nhân thường rất chủ quan. Thực tế cho thấy phần đa bệnh nhân giãn tĩnh mạch chỉ đi khám khi bệnh đã trở năng, việc điều trị lúc này rất khó khăn và tốn kém. Các bác sĩ khuyến cáo khi có các triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch như nặng, mỏi chân, chuột rút về đêm, chân nổi gân xanh ngoằn ngoèo, nên đến các chuyên khoa mạch máu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thảo Luận